BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Trước mặt em, tôi buông từng lời rõ ràng với âm lượng nhỏ, giọng nhẹ nhàng. Nhưng tôi biết trong từng lời của tôi chứa đầy cay nghiệt và trách móc. 

 

 

            - Em không học thì em làm gì? Có mỗi việc học thôi mà em cũng không thể làm được à? Đi học đầy đủ và đúng giờ đối với em khó khăn như thế hay sao? Hãy cho tôi biết lý do tại sao?

        Tôi đã tuôn ra hàng loạt câu hỏi mà không phải để nghe câu trả lời. Đó là sự nạt nộ. Và đương nhiên, tôi đang rất giận dữ! Những học trò khác trong lớp im lặng và tôi biết, chúng cũng đang sợ hãi thay cho cậu bạn đang đứng trước mặt cô. Một không khí trầm lắng đáng sợ bao trùm lớp học. Tôi cố nói rất nhỏ chỉ để em nghe thấy nhưng dường như cả lớp đều đã nghe thấy. Em vẫn đứng đó, mặt cúi gằm. Em không trả lời những câu hỏi của tôi. Em cũng không thanh minh cho những lỗi mà mình mắc phải.

          Em là cậu học trò đến lớp khi vừa dứt tiếng trống truy bài và thế là đương nhiên em sẽ không thực hiện nhiệm vụ vệ sinh lớp học, vệ sinh khu tự quản giống như bao học sinh khác trong lớp. Em cũng là cậu học trò thường xuyên ngủ gật trong giờ, và đương nhiên em ít khi thuộc bài hay làm bài tập về nhà. Sự việc cứ như thế diễn ra mất cả bốn tuần học liền đầu năm lớp 10.

Cậu học trò đó tên Phạm Quang Duyệt, người dân tộc Tày, nhà ở làng Bất, Thị tứ Võ Lao, Huyện Văn Bàn, Tỉnh Lào Cai. Con cả trong gia đình có ba anh em. Bố mẹ làm nghề nông. Đó là tất cả những gì tôi nắm được. Đương nhiên rồi, trong hồ sơ có ghi mà. Em bằng tuổi các bạn khác trong lớp nhưng nhìn em cao lớn hơn nhiều. Tôi trông em cũng người lớn chững chạc hơn. Giáo viên bộ môn thường xuyên trao đổi rằng em ngủ trong giờ và không học bài, không làm bài tập. Cả trong giờ của giáo viên chủ nhiệm là tôi đây em cũng thỉnh thoảng gục xuống bàn. Tôi đã nhủ phải đến nhà em để nắm bắt hoàn cảnh gia đình học sinh. Nhưng…tôi cứ lần khất hết hôm này sang hôm khác. Tôi tự biện minh rằng đầu năm nhiều việc, mình nhà xa, mình con nhỏ phải tranh thủ về nhà… Sự việc cứ thế kéo dài đến hơn một tháng. Tôi hơn một lần buông những lời trách cứ dù nhẹ nhàng nhưng cũng khá sâu cay.

          - Hôm nay tôi sẽ đến nhà em để xem bố mẹ em nói thế nào. Để xem em làm gì mà hết lần này đến lần khác vi phạm.

        Cuối cùng thì trong một buổi chiều không có tiết tôi đã đến nhà em. Tôi đi cùng với vài đứa học trò trong lớp. Chúng bảo “Nhà bạn xa lắm cô giáo ạ”. Tôi đã nghĩ sao lần đầu tiên mình được nghe điều này nhỉ. Toàn bộ con đường vào nhà em là đường đất. Có đoạn là đường rừng, có đoạn là đường ruộng. Còn đi qua một con suối cạn không có cầu. Học sinh bảo hôm nào mưa to con suối này không đi qua được. Tôi vừa đi vừa nghĩ không cần mưa to, chỉ cần là mưa thôi thì toàn bộ quãng đường kia cũng rất kinh khủng rồi. Không biết tự bao giờ trong tôi dấy lên lòng ân hận. Trong đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi trách cứ bản thân mình.

          Sau gần một tiếng đồng hồ hỏi thăm đến nhà, có đoạn cô trò phải dắt xe đi bộ thì chúng tôi cũng đến được nhà em. Đó là một ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân tộc Tày nơi đây. Chúng tôi gọi mãi không thấy ai bèn leo cầu thang lên trên nhà. Nắng chiều đã nhạt từng vệt nắng xiên qua vách nhà làm bằng những cây tre dập nẹp vào nhau, làn khói từ căn bếp giữa nhà bốc lên càng làm không gian thêm ảm đạm. Căn nhà không lớn nhưng trống hoác vì ngoài chiếc ban thờ treo chính giữa, hai chiếc giường kê hai bên thì không còn có thêm gì cả. Tôi nhìn khắp gian nhà cũng không thấy có cái bàn học nào. Học trò đi cùng tôi gọi mãi nhưng không thấy ai trả lời. Chúng tôi đi xuống định ra về thì bỗng tiếng chó sủa vang. Nhìn ra thấy một người đàn ông tay xách chai rượu, bộ quần áo người Tày xộc xệch lật khật đi về phía ngôi nhà. Trong đầu tôi ngay lập tức hình dung ra Chí Phèo trong tác phẩm văn học. Hóa ra người đàn ông say rượu đó là phụ huynh của tôi. Anh không chửi, không rạch mặt ăn vạ như nhân vật Chí Phèo. Nhưng anh vừa đi vừa lầm bầm điều gì đó bằng tiếng Tày mà tôi không hiểu. Tôi tiến lại chào anh và giới thiệu mình là cô giáo của con anh. Mặt anh đỏ gay gắt, anh bước lảo đảo và bảo chúng tôi lên nhà.

         Chiều đã tắt nắng, nhà vẫn chỉ có mình anh – người cha, người chồng đang tu từng ngụm rượu trắng ở cái chai nhựa. Chúng tôi ngồi nghe anh lầm bầm về việc “mẹ con chúng nó đi rừng hôm nào cũng về muộn”, về cái việc anh bị bệnh xơ gan không có tiền đi chữa, về chuyện “bảo thằng Duyệt học làm cái đếch gì”, “học có ra tiền uống rượu đâu…”. Một giáo viên vừa ra trường là tôi lần đầu tiên gặp một phụ huynh như vậy. Tôi ngỡ ngàng! Tôi chết lặng!

          Suốt quãng đường trở về, mặc cho hai học trò đi cùng nói gì tai tôi ù đi. Và không biết từ khi nào mắt tôi cứ thế nhạt nhòa. Phải, tôi đã khóc, tôi ân hận, tôi trách bản thân mình vô cùng. Một cô giáo mới ra trường là tôi vừa thiếu kinh nghiệm thực tế lại vừa tự tạo cho mình đủ mọi lý do để không kịp thời đến tìm hiểu gia đình học trò. Tôi chẳng phải là một cô giáo yếu kém, ích kỷ lắm hay sao? Đến lúc này thì tôi hiểu tại sao Duyệt - lại tỏ vẻ ngoài trưởng thành hơn các bạn. Đó chẳng phải vì em đang thay cha là người đàn ông trụ cột gia đình đấy thôi. Đến giờ này tôi hiểu vì sao em thường không học bài về nhà. Chẳng phải vì trong nhà em không có bàn học mà là vì em phải dành thời gian để đi nương, làm đồi. Tôi cũng hiểu vì sao em hay đi muộn. Có lẽ không hẳn vì con đường xa khó đi mà hơn hẳn là vì em mệt. Một buổi đi học, một buổi đi nương, đi rừng với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn chẳng phải giấc ngủ là điều tuyệt vời nhất hay sao? Đôi mắt cụp xuống, khuôn mặt cúi gằm, miệng bặm lại của em trước những chất vấn của tôi lại hiện ra rõ mồn một lúc này. Tôi đã hiểu khuôn mặt mệt mỏi của em vì đâu. Tại sao lúc này tôi lại nghĩ rằng ánh mắt ấy có cả sự trách móc, cầu xin nữa chứ. Phải, nếu tôi mà là Duyệt thì tôi sẽ trách móc cô giáo. Thậm chí tôi sẽ bảo: “cô có sống trong hoàn cảnh của em đâu mà cô biết…” hoặc tôi chắc sẽ có suy nghĩ “mong cô hãy hiểu em…”. Cũng không hiểu sao lúc này trong đầu tôi cứ vang vọng từng lời nói dù nhẹ nhàng nhưng đầy chát chúa của chính tôi đối với Duyệt: “Ngoài học ra thì em còn làm gì được nữa mà không chịu học”, “Chỉ có việc đến lớp đúng giờ mà em cũng không làm được à?”, “…”. Tôi khóc!

          Ngày hôm sau đến lớp tôi không nói cho Duyệt biết chuyện tôi đã đến nhà em. Có thể em đã biết qua lời kể của các bạn. Hoặc cũng có thể là không. Tôi nghĩ rằng bản thân mình phải là người thay đổi trước. Tôi đến bên cậu học trò này khẽ khàng bảo em đi rửa mặt cho tỉnh ngủ. Tôi cùng em giải bài tập. Tôi phân công cho một nhóm học sinh học tốt trong lớp giúp đỡ em những môn em chưa hiểu. Tôi không hỏi em những câu đã từng hỏi em trước đây mỗi khi em đi học muộn hay em bị ghi sổ đầu bài vì chưa học bài cũ. Tôi kéo gần khoảng cách với em. Tôi mỉm cười với em nhiều hơn. Và sự thật là tôi thấy em đã cười nhiều hơn. Em tích cực thấy rõ trong học tập, tham gia đầy đủ hơn các hoạt động chung của lớp, số lần em bị phê bình trong số đầu bài cũng giảm dần rồi không có nữa. Tôi cũng không tự biện minh cho mình mỗi khi chưa đến thăm nhà học sinh. Đều đặn mỗi tuần tôi đều cố gắng đi thăm vài nhà học trò. Tôi đã hoàn toàn không phê bình học sinh trước lớp. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu lý do học sinh của tôi tại sao không học bài, làm bài, không tuân thủ được nội quy nhà trường.

          Lớp 10 qua mau, Duyệt đã cố gắng rất nhiều dù em vẫn vài lần đi muộn, vài lần nghỉ học không lý do. Nhưng có lẽ tôi đã là người hơn ai hết hiểu được lí do vì sao. Đến năm lớp 11, Duyệt còn làm tôi ngạc nhiên hơn khi em tham gia thi đấu Hội khỏe Phù Đổng cấp Tỉnh và mang về huy chương vàng cho nhà trường ở bộ môn đẩy gậy. Em còn khiến tôi bất ngờ hơn khi từ là một học sinh top cuối, thường xuyên bị nhắc nhở, kết thúc năm học lớp 11 em đạt học sinh tiên tiến. Sang năm cuối cùng của đời học sinh, em tâm sự với tôi em không có nguyện vọng đi học trường gì, chỉ muốn có bằng cấp ba xong rồi đi làm. Đây cũng là lựa chọn của đa số học sinh lớp tôi. Những học trò nghèo của một huyện vùng sâu xa, chúng chưa bao giờ nghĩ đến Hà Nội, hay nghĩ đến đi học Đại học hoặc một khung trời khác thênh thang hơn. Ở vùng núi nghèo này cho con cái đi học đủ 12 năm học đã là một sự cố gắng vô cùng của cha mẹ chúng. Bởi vì đằng sau chúng là những đứa em thơ, là gánh nặng cuộc sống mà chúng không nói ra tôi cũng đều hiểu.

          Thế rồi một thay đổi lớn và bất ngờ đến với tôi cùng lớp chủ nhiệm của mình. Tôi chuyển công tác về gần gia đình. Đó là niềm vui, là sự ao ước bấy lâu nay của tôi. Tôi cứ ngỡ giây phút đó tôi sung sướng, hân hoan tột cùng. Thế nhưng, tôi lòng nặng trĩu, bước chân đi mà cảm giác vẫn còn một món nợ lớn níu kéo. Tôi khóc trước lớp – lần đầu tiên. Em cũng khóc – lần đầu tôi nhìn thấy. Tôi cảm thấy mình vẫn nợ em. Tôi cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm với lớp đặc biệt là với em. Tôi chưa kịp đưa trọn vẹn chuyến đò này qua sông. Tôi cũng chưa hoàn thành việc cùng em vượt kì thi cuối cấp.

          Em đã đỗ tốt nghiệp rồi đi học nghề. Tôi vẫn dõi theo cuộc sống của em. Tôi biết cậu học trò năm ấy đã thực sự trưởng thành. Tôi vẫn biết cuộc sống của em còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin em sẽ trở thành người đàn ông tốt. Tôi cảm thấy may mắn vì em vẫn không quên tôi và chưa một lần trách cứ. Em vẫn thường nhắn tin hỏi thăm và chúc mừng tôi mỗi dịp lễ tết. Giữa tôi và em có một khoảng cách vừa gần lại vừa xa. Tôi biết rõ cả cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ có thể quên được em.

Tôi đã trải qua những năm đầu tiên chập chững bước vào nghề như thế. Tôi đã từng sai lầm bởi lòng chưa đủ nhiệt tình, trái tim chưa đủ bao dung ngay từ đầu. May mắn rằng nó chỉ kéo dài vài tuần. Vậy mà đã 10 năm trôi qua nhưng hình ảnh cậu học trò năm ấy vẫn luôn trong trái tim tôi. Đó không chỉ là kỷ niệm trọng sự nghiệp mà đó còn là động lực để tôi cố gắng, là bài học để tôi nhắc nhở mình mỗi ngày trên con đường sự nghiệp. Người học trò năm ấy đã dạy tôi BÀI HỌC ĐẦU TIÊN quan trọng nhất của người thầy. Đó là bài học về lòng yêu thương và thấu hiểu thật sự. Bài học về sự bao dung mà không cần lí do, về sự cho đi mà không đòi hỏi phải nhận lại.

Bài viết nhỏ này chính là những trải lòng của tôi đối với kỉ niệm những ngày đầu bước vào nghề. Đây là lời xin lỗi mà tôi chưa một lần dám cất lên đối với cậu học trò đó. Đây còn là lời cảm ơn tận đáy lòng mà tôi muốn dành cho Duyệt và tất cả những học trò mà tôi đã, đang và sẽ gắn bó trong sự nghiệp đời mình. Từ trong sâu thẳm tôi muốn nói: “Cảm ơn vì các em mới chính là những người làm nên ý nghĩa cuộc sống của cô. Các em không chỉ là những người khiến cho cô được thỏa mãn đam mê của mình mà chính các em đã khiến cho cô mỗi ngày đều phải cố gắng!”.

                                                                           Giáo viên: Trần Thị Phương

                                                                           Trường THPT số 2 Bảo Thắng

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image