Truyện ngắn: CHỊ DỊU

Mặt trời vừa khuất núi, sương và bóng tối đã vội vã nuốt chửng cái thung lũng trên rẻo cao này. Mấy đứa trẻ vẫn vắt vẻo trên lưng trâu lững thững trở về bản nhưng mấy chị đi nương đeo những gùi nặng thì có vẻ cuống quýt cho bữa cơm tối của gia đình. Hôm nay chị Dịu trả trẻ sớm hơn thường ngày. Mọi hôm cứ phải lúc trời sâm sẩm tối chị mới tất tả về nhà, hôm nào chị cũng giữ cố để cho bọn trẻ khỏi bơ vơ khi mà bố mẹ chúng vẫn đang trên nương, trên rẫy.

- Nghe đâu thằng Khiêm nhà bà May mới về hả các bà?

- Ừ, về sáng nay. Không biết đã đi đâu mà biệt tích đến tận ba năm.

- Thì đi Trung Quốc chứ còn đi đâu. Tôi nghe người ta đồn nó còn có vợ con trên mạn Lạng Sơn rồi đấy các bà ạ.

- Các bà cứ đoán già đoán non. Nó về là tốt rồi. Khổ thân đứa vợ nó, bao năm ở vậy trông nom bà May mà chồng thì đi không tăm tích. Giờ nó về là mừng cho nó…

Tiếng mấy bà trong bản bàn tán xôn xao trên đường đi làm rẫy về rồi nhỏ dần mất hút sau con dốc dài. Đằng sau hàng rào cây sắn cao quá đầu chị Dịu đang ngồi đãi gạo nghe rõ từng tiếng một… Chị Dịu là người Kinh, quê mãi tận Hưng Yên, chị lên Lào Cai sau khi tốt nghiệp cao đẳng mầm non dưới xuôi. Tôi được nghe chị kể năm chị vào cấp 3 bố mẹ chị đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Mồ côi cha mẹ, chị về ở với bà ngoại và gia đình người cậu. Được vài năm thì bà ngoại qua đời, không muốn trở thành gánh nặng của cậu nên sau khi tốt nghiệp Cao đẳng chị đã theo bạn lên đây để xin việc.

          Ngày chị đến thôn Cốc Đào làm giáo viên cho phân hiệu trường mầm non duy nhất ở đây thì chúng tôi ai cũng rất vui mừng. Cả năm nay cũng có đến 3 giáo viên về nhưng người lâu thì được hai tháng, có người được 5 ngày đã bỏ trường, bỏ bản thậm chí bỏ việc bởi đây là phân hiệu xa xôi hẻo lánh, tất cả đều là người dân tộc. Chị Dịu đến có nghĩa là những đứa trẻ nơi đây đã có thể được đến trường học hát, học múa. Có cô giáo lớp học lại rộn vang, những đứa trẻ người Mông, người Tày sẽ được tiếp xúc với văn minh. Vui mừng là thế, ấy vậy nhưng trưởng bản vẫn không khỏi lo lắng bởi chị Dịu là người miền xuôi, không biết chị sẽ bỏ bản mà về xuôi bất kì lúc nào…

          Chớp cái mà chị Dịu lên đây cũng đã ngót 4 năm, lên dạy được 1 thời gian chị lấy anh Khiêm con bà May trong bản. Anh là y tá thôn bản ở đây, anh cũng là số ít thanh niên được đi học trong bản Cốc Đào chúng tôi. Anh Khiêm trông khá hiền, lại biết thương mẹ, anh cũng rất chịu khó có lẽ vì thế mà chị Dịu chọn làm vợ anh Khiêm khi mà chị có biết bao chàng trai theo đuổi. Nhà anh Khiêm là hàng xóm nhà tôi, nhà anh có hai mẹ con còn bố anh tôi không biết, cũng chưa từng nghe ai nhắc đến. Ngày chị Dịu về làm dâu nhà anh, bà May mẹ anh Khiêm lúc nào trông cũng rạng rỡ, đi đâu bà cũng khoe có con dâu là cô giáo mầm non của bản. Tôi cũng thấy vui vì tôi có thêm một người chị, người bạn là chị Dịu. Mỗi khi cuối tuần được nghỉ về nhà là tôi lại chạy sang nhà chị. Chị đã động viên tôi rất nhiều khi tôi có ý định bỏ học giữa chừng, chị cũng là người đã định hướng cho tôi cần phải đi học Đại học để thoát khỏi cuộc sống lam lũ. Trong mắt tôi chị đúng như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho mình, không chỉ xinh đẹp mà chị còn hiền dịu vô cùng. Trong mắt đứa trẻ là tôi khi đó thì chị Dịu tựa như cô Tấm trong truyện cổ tích vậy đó.

- Khổ thân con bé Dịu! Đẹp người đẹp nết ấy vậy mà…

Tiếng mẹ tôi cất lên phá tan suy nghĩ về chị Dịu đang đầy ắp trong đầu tôi.

- Thì chồng nó về rồi đấy thôi. Về được là được rồi.

Tiếng bố tôi tiếp lời.

- Người ta bảo nó về bán đất rồi đi theo vợ con trên Lạng Sơn đấy.

- Bà đừng nói vớ vẩn, bà lại chẳng biết rõ hơn tôi chắc. Tôi khẳng định thằng Khiêm nó chỉ đi làm ăn, nhưng nó mắc kẹt bên Trung Quốc, giờ mới về được. Nó làm gì có vợ con nào khác ở đâu.

Tôi hy vọng rằng lời bố nói là sự thật. Tôi thương chị Dịu vô cùng và có lẽ là cả làng tôi ai cũng quý, cũng thương chị. Bốn năm chị lên đây thì 3 năm cả làng tôi chứng kiến cảnh chị một mình ở bên chăm sóc bà May khi anh Khiêm đi làm ăn xa biệt xứ. Ai khi đó cũng nghĩ chắc chắn anh Khiêm không về thì chỉ một thời gian chị cũng sẽ lại bỏ bản mà về xuôi. Hơn nữa vợ chồng chị cũng lại chưa kịp có với nhau đứa con nào, sẽ chẳng có điều gì có thể ràng buộc chị ở lại. Ấy vậy mà chị vẫn ở đây, vẫn gắn bó với phân hiệu mầm non xa xôi hẻo lánh này, chị vẫn ở bên bà May, 2 người phụ nữ nương tựa vào nhau… Tôi nghe mẹ kể, bà May nhiều lần giục chị hãy đi đi, bà không muốn trở thành gánh nặng của chị. Nhưng chị vẫn kiên quyết ở lại, chị ở lại không phải chị đã hết nơi để đi mà bởi chị thương bà May cô quạnh và chị muốn đợi…

Anh Khiêm đi quãng hơn 3 năm thì trở về, ngày anh về là một ngày đông lạnh tái tê. Bà May giận con đến đổ bệnh nặng, còn chị Dịu chỉ im lặng. Thế nhưng tôi thấy từ hôm anh về chị luôn cố trả lớp sớm hơn, ngày chủ nhật còn đạp xe ra tận chợ xã mua bao nhiêu thứ đồ lỉnh kỉnh. Để ý kĩ, tôi thấy chị Dịu tươi tỉnh hơn trước kia và trên khuôn mặt dịu hiền của chị lúc nào cũng như phơn phớt ánh hồng.

- Chị nghĩ gì mà vừa làm vừa tủm tỉm cười thế kia?

Tiếng của tôi cất lên sang sảng làm chị Dịu hơi giật mình.

- Náy đấy à, chị đang xay ít bột nếp để sáng mai làm bánh.

- Bánh ngải đúng không chị? Nhà già May thích nhất bánh này mà.

Chị lại tủm tỉm cười im lặng, tối nay lạnh quá trời mà sao tôi thấy trên khuôn mặt chị tựa như có bình minh nắng ấm. Chị Dịu có lần kể, chị phải lòng anh Khiêm cũng bởi những chiếc bánh ngải mẹ May làm đưa anh mang đến cho chị. Người con trai ấy đã chinh phục được trái tim chị từ những chiếc bánh ngải chất chứa tâm tình. Thứ bánh dân dã đặc trưng của miền núi cao này lại khiến chị vấn vương cả một đời…

          Đêm mùa đông trên núi cao thật dài và lạnh. Sáng nay tôi phải dậy sớm để quay về trường nội trú học. Khi sương mù vẫn dày đặc, tôi đạp xe ra khỏi nhà, qua nhà chị Dịu tôi thấy bếp lửa bập bùng đỏ. Vạt ngải đắng ở sườn dốc trước nhà chị không chịu ngủ đông mà chúng đang thi nhau mọc lên rồi lại co ro trong màn sương lạnh giá. Tôi đạp xe qua những con đường đồi dốc quanh co, không hiểu sao sáng nay nhìn đâu trên những nương đồi của bản làng nhỏ bé tôi cũng như thấy một màu ngải đắng xanh, xanh thẫm, xanh hy vọng./.

 

                                                                                                        TG: Trần Thị Phương

                                                                                                             Tổ: Ngữ Văn