Giáo dục đạo đức liêm chính - Hình thành văn hoá chống tham nhũng cho học sinh THPT
Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Việc định hướng cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường về giá trị của sự trung thực, liêm chính và nhận thức rõ về tác hại của tham nhũng là vô cùng quan trọng.

Học sinh THPT hiện nay nói chung có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng, chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đa số học sinh đều xác định được mục tiêu sống, có lý tưởng phấn đấu rõ ràng với động cơ học tập nghiêm túc; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào “xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng…”; biết chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Song bên cạnh đó, có không ít học sinh có biểu hiện không chuẩn mực về đạo đức như thiếu trung thực, gian dối trong thi cử kiểm tra, học tập mang tính gò ép của cha mẹ; sống thiếu kỷ luật, buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động; sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, lý tưởng trống rỗng, mục đích trông chờ, mờ nhạt; thậm chí một số học sinh có tư tưởng thực dụng… Nếu các em không được quan tâm sát sao để định hướng, giáo dục thì rất có thể đây sẽ là biểu hiện, mầm mống của tham nhũng lãng phí sau này.

Ảnh: Đoàn trường THPT số 2 thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa 

tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên 

Nói đến bảo đảm sự liêm chính trong giáo dục hiện nay, có thể khẳng định, các thầy cô giáo luôn ý thức được sự cần thiết phải giáo dục học sinh sự ngay thẳng, trung thực tiến tới xây dựng môi trường giáo dục chân chính. Ở trường THPT số 2 Bảo Thắng, giáo dục đạo đức liêm chính không chỉ bó hẹp trong giờ lên lớp mà nó còn được thực hiện thông qua nhiều hoạt động khác trong môi trường sư phạm của nhà trường. Hình thức giáo dục phù hợp sẽ thúc đẩy học sinh thiết lập mối quan hệ với bạn bè trong trường lớp cùng tìm hiểu, trao đổi và quyết định hành động cụ thể mang tính liêm chính, minh bạch; đồng thời, thúc đẩy các ý tưởng về xây dụng tính trung thực, nâng cao kỷ luật, ý thức tự giác ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường và hoạt động học tập của các em học sinh.

Trong chương trình giáo dục của trường THPT số 2 Bảo Thắng đã có nhiều hình thức nhằm giáo dục đạo đức liêm chính cho học sinh thông qua việc lồng ghép giáo dục với giảng dạy các môn học như chủ đạo là môn giáo dục công dân, môn ngữ văn, lịch sử,... Những môn học này ngoài việc cung cấp kiến thức còn giáo dục cho học sinh về tính trung thực, ngay thẳng, kỷ luật và ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không thể giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào mà cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, biện chứng với nhau hướng tới một mục đích chung cuối cùng là giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách, đạo đức liêm chính cho học sinh.

Cụ thể, trong môn Giáo dục công dân lớp 12, nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp trong Bài 2: Thực hiện Pháp luật; Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ (Quyền khiếu nại, tố cáo). Ở môn Ngữ văn, nội dung giáo dục học sinh hướng tới các đức tính trung thực, ngay thẳng, không vụ lợi, rèn luyện tính tiết kiệm cũng được thể hiện qua các tiết đọc văn, làm văn nghị luận xã hội. Thông qua bài học cụ thể, học sinh được bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề đặt ra; tìm hiểu bài học về liêm chính qua tác phẩm văn học. Tiêu biểu có thế kể đến nội dung thái độ phê phán những tên quan lại tham lam, ăn hối lộ đồng thời cảnh tỉnh cho những người thiếu hiểu biết dẫn đến hành động “tiền mất tật mang” qua tác phẩm truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” (Ngữ văn 10); bài học về sự thẳng thắn, trung thực, chí công vô tư, thực hiện đúng pháp luật về việc chống tệ nạn hối lộ, sống có lý tưởng có trách nhiệm qua chân dung thái sư Trần Thủ Độ (Ngữ văn 10)…Cùng với môn Ngữ văn và Giáo dục công dân, bài học về các nhân vật lịch sử, chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tích hợp trong các chủ đề dạy học liên môn, từ đó nâng cao việc giáo dục kĩ năng sống, thái độ sống cho học sinh nhà trường.

Giáo dục đạo đức liêm chính còn được lồng ghép trong chương trình phổ biến giáo dục pháp luật chọ học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, rèn luyện hành vi ứng xử cho thế hệ trẻ. Hình thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa của nhà trường phong phú, hấp dẫn, sáng tạo như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật cho học sinh; nói chuyện pháp luật, viết báo tường, sinh hoạt theo chủ đề liêm chính; áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền về giá trị liêm chính thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn... Khuyến khích học sinh phân tích những tình huống khó xử về đạo đức liêm chính bằng cách nghiên cứu các ví dụ thực tế về hành vi không phù hợp với đạo đức liêm chính và tham gia nhập vai trong các tình huống, từ đó mô tả những khó khăn của quá trình ra quyết định. Thông qua đó, để học sinh phải biết rằng những vi phạm đạo đức được cho là rất nhỏ, nếu bị bỏ qua, sẽ là xuất phát điểm cho những hành động sai trái nghiêm trọng hơn trong tương lai; trong đó, có những vi phạm như hành vi hối lộ, nhận hối lộ, tham ô...

Ảnh: Hoạt động ngoại khóa thanh niên với ngày hội văn hóa giao thông.

Dù giáo dục cho học sinh dưới hình thức nào, các thầy cô nhà trường luôn chú trọng phần kiến thức dựa trên những câu chuyện thực tế, gần gũi với giới trẻ về tính trung thực, kỷ luật, ý thức trách nhiệmViệc cung cấp kiến thức cơ bản về đạo đức liêm chính cho học sinh góp phần nâng cao nhận thức về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; đồng thời, giáo dục cho học sinh nhà trường suy nghĩ về các giá trị của sự liêm chính, dân chủ và công khai, minh bạch.

Bên cạnh việc xác định nội dung giáo dục đạo đức liêm chính, các thầy cô trường THPT số 2 Bảo thắng cũng quan tâm đến nguyên tắc giáo dục đạo đức liêm chính như: Giáo dục đạo đức liêm chính phải bám sát mục tiêu nâng cao nhận thức và hình thành nhân cách của học sinh; giáo dục đạo đức liêm chính phải gắn liên với môi trường sư phạm, gia đình và xã hội; giáo dục đạo đức liêm chỉnh phải phù hợp với lứa tuổi học sinh.

 Để thực hiên nguyên tắc này, các thầy cô giáo nhà trường đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm luôn trân trọng những mặt tốt, những thành tích của học sinh dù chỉ là những thành tích nhỏ, dùng những gương tốt của học sinh trong trường và những tấm gương người tốt, việc tốt khác để giáo dục các em. Đồng thời, phải luôn đề ra giả thiết lạc quan về sự hoàn thiện nhân cách của học sinh; giúp các em biết đề ra những tiêu chuẩn, những mục tiêu phấn đấu hợp lý, vừa sức; có thái độ nghiêm khắc, đúng mực đối với những thiếu sót, sai lầm; dựa vào những mặt tốt, mặt tích cực trong nhân cách của học sinh để khắc phục những tồn tại trong cách hành xử của các em. 

Với những nội dung cụ thể, thiết thực, các trường THPT nói chung và trường THPT số 2 Bảo Thắng nói riêng đã tích cực đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông. Thực hiện tốt việc lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy thông qua việc đặt trọng tâm vào việc giáo dục đạo đức liêm chính; kết hợp giảng dạy pháp luật về phòng chống tham nhũng với thời lượng phù hợp; khuyến khích giáo viên các môn khoa học xã hội lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức liêm chính và pháp luật về phòng chống tham nhũng vào giáo án và sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiệu quả. Tin tưởng rằng, các thầy cô giáo nhà trường sẽ giáo dục thành công thế hệ học trò với đầy đủ phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, xứng đáng là thế hệ tương lai, chủ nhân của đất nước./.

                                                        Nguyễn Thắm - Trường THPT số 2 Bảo Thắng

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image